CẢM ƠN THẦY CÔ
Cập nhật: 05/11/2015
CẢM ƠN THẦY CÔ
NGƯT, PGS, TS Nguyễn Văn Lai
Cựu học sinh khoá 1965-1967
Mỗi khi về thăm trường cũ – Trường cấp 3 Kim Anh tỉnh Vĩnh Phúc (nay là trường THPT Kim Anh – Hà Nội) cảnh vật dù đổi thay theo năm tháng, nhưng chúng tôi vẫn thấy gần gũi thân thương, bởi đây là quê hương, là tuổi trẻ của chúng tôi. Nơi đây chúng tôi đã có những mơ ước và hy vọng của tuổi thanh xuân. Cũng tại nơi đây chúng tôi được đón nhận tấm lòng cao cả, nhân hậu, trí thức nhân loại từ các thầy cô. Trường cấp 3 Kim Anh là địa chỉ linh thiêng và đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi cựu học sinh chúng tôi. Dù có đi đên góc biển, chân trời chúng tôi luôn hướng về nơi đây.
Nhớ lại tháng 6/1964, với tầm nhìn chiến lược và lãnh đạo cách mạng thiên tài của Bác Hồ, Bộ Chính trị và Trung ương đã ra chỉ thị về tăng cường công tác phòng không, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với Miền Bắc nước ta. Quả nhiên, đến 5/8/1964, máy bay Mỹ đã tiến công bắn phá Miền Bắc nước ta ở vùng phụ cận Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh), cửa Lạch Trường (Thanh Hóa) và cửa sông Gianh (Quảng Bình) và 8 máy bay bị bắn hạ trong trận đầu này. Kể từ đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới – giai đoạn cả nước có chiến tranh.
Làm sao quên được, một ngày mùa thu tháng 8/1965, chúng tôi gồm 30 học sinh vừa học xong chương trình lớp 8 của trường cấp 3 Bến Tre- Phúc Yên và cấp 3 Đa Phúc nộp đơn xin vào học lớp 9 trường cấp 3 Kim Anh. Chúng tôi được thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ẩn đón tiếp rất cởi mở. Trường lụp sụp nhà tranh tre nứa lá, thầy cô, học sinh nghèo, thiếu thốn trăm bề nhưng với ý chí quyết tâm, đức tính hiếu học, hoài bão, ước mơ, nghị lực khắc phục khó khăn của tuổi trẻ đã giúp thầy trò chúng tôi dạy và học đạt được những kết quả tốt. Kết thúc lớp 9 cả lớp chúng tôi thi tốt nghiệp đỗ 100%, trong đó trên 50% là khá giỏi. Có được kết quả đó chúng tôi không bao giờ quên công lao dạy bảo của các thầy cô giáo nhà trường.
Dù thời gian đã nửa thế kỷ, chúng tôi không quên môi trường học tập ngày ấy. Không một ai phàn nàn về sự thiếu thốn, khó khăn mà luôn vui vẻ, yêu đời. Ở tuổi thanh niên 15-17, chúng tôi háo hức đón nhận, khám phá tri thức từ mỗi bài học của các thầy cô với bao điều mới lạ.
Nhớ lại, hoàn cảnh Miền Bắc nước ta lúc bấy giờ mọi thứ đều phải phân phối với lượng tối thiểu. Tài liệu dạy và học chỉ có cuốn sách giáo khoa là quý nhất mà 2-3 học sinh chung nhau một cuốn; giấy viết học sinh thì 4-5 tập/học sinh/kỳ; đâu được giấy trắng trơn như ngày nay, mà là thứ giấy đen mặt nhẵn mặt sần-sản phẩm của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Ban đêm học sinh phải học bài dưới ánh đèn dầu hỏa. Giải các bài tập môn học đều phải theo cách tính nhẩm, giấy viết phải rất tiết kiệm. Thời gian dành cho học hành ở trên lớp học tiếp thu kiến thức là chính; còn một buổi trong ngày chúng tôi đều phải tham gia sản xuất phụ giúp gia đình ở hợp tác xã nông nghiệp. Việc học và ôn bài cơ bản diễn ra trên quãng đường đi bộ từ nhà đến trường. Nhưng từ trong gian khó đó đã nảy sinh ra cách dạy và học của thầy trò chúng tôi lúc bấy giờ ít cần đến vật chất, đó là “phương pháp học nhóm”. Trao đổi, thảo luận bài theo các nhóm bạn học tập. Thầy cô đến từng nhóm để kiểm tra hướng dẫn gợi mở, khích lệ mỗi khi học sinh có cách làm, cách giải hay. Chính cách học này đã rèn cho học sinh chúng tôi phát huy khả năng tư duy trừu tượng, nắm kiến thức một cách sâu sắc, toàn diện. Nhờ có phương pháp học nhóm mà các mối quan hệ thầy-trò, trò-trò trở nên gần gũi, chân tình. Các thầy cô giáo hiểu, biết được tất cả những khó khăn, thuận lợi của từng học sinh để cảm thông chia sẻ và có được những cách giúp đỡ hiệu quả. Từ trong gian khó mà triết lý sống hết sức giản dị, thanh cao trong quan hệ xã hội chúng ta: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” đã đi vào tiềm thức và hành động của thầy trò chúng tôi.
Những lớp học sinh khóa đầu của trường cấp 3 Kim Anh chúng tôi được phấn đấu và rèn luyện trong không khí sục sôi cách mạng của cả nước. Chúng tôi đã sốn,g lao động, chiến đấu, học tập hết mình vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, không mảy may suy tính cá nhân. Chỉ riêng học sinh khóa I chúng tôi, ra trường tháng 6/1967 với 39 người ngay sau khi thi đỗ tốt nghiệp đã có 13 bạn lần lượt vào Nam chiến đâu. Bạn Trần Đức Hiền là học sinh giỏi của khoá đã xung phong nhập ngũ trước khi thi tốt nghiệp.
Những ngày sống và học tập dưới mái trường cấp 3 Kim Anh tuy ngắn ngủi so với cuộc đời của mỗi học sinh, nhưng chúng tôi đã thu nhận được những hành trang tri thức, đức tính, nghị lực và phương pháp luận vô cùng quý giá cho những bước đường sau này. Chính nơi đây, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của mỗi chúng tôi được hun đúc bằng những bài học truyền thống, các áng văn thơ kiệt tác. Vâng, chính thầy cô giáo là người khơi nguồn và tạo động lực chuẩn bị hành trang, tâm thế cho mỗi học sinh chúng tôi vào đời trở thành người lao động chân chính có năng lực trong chiến đấu và dựng xây đất nước. Có thể nói, ở mỗi học sinh chúng em trong mình đều mang “dấu ấn” của thầy cô.
Kính chúc các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nhà trường sức khỏe, hạnh phúc. Trường THPT Kim Anh mãi mãi là địa chỉ tin cậy đào luyện nhân tài có thương hiệu cho đất nước.
Bình luận: