Bài dự thi viết kỷ niệm 60 năm Thành lập Ngành GD&ĐT Thủ đô- Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Giang- Trường THPT Kim Anh
Cập nhật: 07/08/2014
TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM
Một đời người, một dòng sông
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ
“Muốn qua sông phải lụy đò”
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa.
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò tri thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc – mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…
“Không biết từ khi nào tôi đã thuộc những vần thơ giản dị mà đằm thắm ấy, để rồi tình yêu đối với nghề dạy học cứ lớn dần, ngày càng sâu nặng trong tôi. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng suốt những năm tháng hồn nhiên vô tư thời Trung học, đến những ngày lên Đại học thiếu thốn, xa quê. Và bây giờ, khi tôi đã là cô giáo hơn mười năm rồi, tình yêu ấy vẫn như ngọn lửa trong trái tim không bao giờ nguội lạnh.
Tôi yêu nghề dạy học! Và với tôi, tình yêu ấy không phải là cái gì trừu tượng, xa vời, không phải chỉ là một mỹ từ để tô điểm suông cho nghề của mình. Tình yêu ấy bắt nguồn từ một điều bình dị, đời thường mà rất đỗi thiêng liêng: Tình yêu đối với học trò. Yêu nghề giáo, trước hết và trên hết là yêu học trò. Những ánh mắt trong trẻo, những nụ cười ngây thơ, những trò đùa tinh nghịch của các em đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc sống của tôi. Bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua, bao nhiêu năm tháng trôi dần vào kí ức, các em dấn bước trên muôn ngả đường đời. Có lẽ cuộc sống với những bận bịu lo toan tất bật nhiều lúc khiến hình ảnh thầy cô phai mờ trong tâm trí các em. Nhưng với tôi thì ngược lại. Ngày ngày tôi vẫn đến trường, đêm đêm vẫn miệt mài bên trang giáo án. Và mỗi lần lên lớp, qua những hành khách của chuyến đò sau, tôi gặp lại những gương mặt thân quen cũ. Các thế hệ nối tiếp nhau cứ nhân lên tình yêu trong tôi. Vì yêu trò, tôi không chỉ làm một người thầy, tôi còn làm người mẹ, người chị gần gũi yêu thương và ân cần bảo ban. Học trò hồn nhiên nhưng cũng không kém phần nhạy cảm, các em hiểu lòng tôi.”
“Em muốn tâm sự chân thành với cô, người mà khi ra trường, em không thể nào quên được. Cô ạ, em còn nhớ như in ngày đầu tiên cô bước vào lớp. Hồi ấy, cô mặc chiếc áo màu vàng. (Cô ơi, em không thích màu vàng tẹo nào cả, nhưng không hiểu sao, hôm ấy, và cũng bất đầu từ ngày ấy, em lại thích màu đó). Và em còn nhớ cả lớp đã òa lên :”Đẹp rạng ngời mà không chói lóa”. Quả thực, hôm ấy cô đẹp lắm… Thuở cấp II, em rất thích môn văn, vì cô giáo em giảng văn hay lắm, nói một cách văn học là “đi vào lòng người”. Rồi kể từ khi phải xa ngôi trường ấy, người cô ấy, em buồn lắm! Em không biết bước vào ngôi trường mới, em có còn hứng thú học môn văn nữa không? Và… Tiết học đầu tiên, em đã lấy lại được cảm hứng của mình bởi giọng nói và cách truyền đạt của cô. Đó là những cảm xúc của em về những ngày đầu gặp cô đấy ạ!
Điều mà em ấn tượng hơn cả, không phải cô xinh hay cô trẻ, mà là cô TÂM LÝ. Em chỉ có thể dùng hai từ ấy để nói về cô thôi. Cô biết không, mỗi lần gặp lại những người bạn cũ học cấp II, người mà em nói đến nhiều nhất là cô đấy. Và trong những bữa cơm gia đình, em cũng hay nhắc tới cô. Chuyện gì về cô cũng nói, cũng kể, từ chuyện bé tí bằng con kiến đến chuyện lớn. Cô quan tâm và rất hiểu học trò. Nhiều lúc cô nói hệt như mẹ em vậy. Sao mà giống thế? Điều này cũng dễ hiểu thôi vì cô đã làm mẹ rồi mà. Cô khuyên rất nhiều, cô dạy chúng em rất nhiều. Cũng chính bởi điều này mà 45 thành viên trong lớp yêu quý cô. Cô quan tâm chăm chút từ cái chữ đến cách ăn nói… Cho nên, mỗi khi có tâm sự gì, em chỉ muốn chia sẻ với cô thôi… Có những điều không thể nói bằng lời được, không thể viết ra dễ dàng được. Thời gian sẽ chứng minh chúng em yêu cô thế nào. Đúng vậy, chưa cần đến ba giây để nói lên câu nói đó, nhưng để chứng minh câu nói đó thì cả cuộc đời này chưa đủ. Mong cô sẽ giữ mãi những kỉ niệm đẹp về tập thể lớp của chúng em. “ (Trần Thị Ngọc Thủy – THPT Kim Anh)
“Tôi dạy môn Ngữ văn. Với nhiều người, văn học là nhân học, giáo viên dạy văn là những người nghệ sĩ tâm hồn. Nhưng có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là hiện nay, rất nhiều học sinh thờ ơ với môn văn. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lí do quan trọng là ở người dạy. Việc học yêu cầu các em học sinh phải tự giác, nhưng để tự giác được thì phải có lòng yêu thích, đam mê. Xuân Diệu từng nói: “Mỗi áng văn là một con cá lội, một con bướm bay, một con chim hót. Việc nghiên cứu thơ văn là phải đưa vào trái tim người đọc cái kì diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”. Vì vậy, dù cho phương pháp học văn có đổi mới đến đâu, người học được đưa lên vị trí trung tâm như thế nào, thì vai trò của người thầy vẫn luôn vô cùng quan trọng. Tôi luôn muốn thổi bùng lên ngọn lửa văn chương trong tâm hồn các em. Tất cả hiểu biết, chuyên môn, sức lực và tâm huyết của mình, tôi dồn vào từng trang giáo án. Tôi không muốn học trò của mình phải học văn một cách ép buộc. Phải làm sao để các em hiểu đúng tầm quan trọng và tác dụng của môn văn trong nhà trường và trong đời sống để rồi ham học hơn. Tôi dạy học không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả trái tim mình. Tôi muốn khơi dậy sự đam mê học hỏi của các em; cùng các em khám phá, trao đổi những tri thức vô hạn của nhân loại; cùng các em vượt qua những giới hạn của bản thân để tự tin bước vào cuộc sống… Tôi muốn cống hiến cho nghề của mình, cống hiến cho chính các em!
Cách đây vài năm, dù cuộc sống gia đình riêng còn nhiều khó khăn, tôi vẫn cố gắng thu xếp để đi thi cao học. Bởi “bể học là mênh mông” và học văn thì không bao giờ có đích cuối cùng. Các học trò của tôi biết được việc này, chúng ủng hộ tôi và cũng hồi hộp đợi chờ kết quả thi. Điều này vừa là động lực vừa là áp lực đối với tôi. Ôi, nếu tôi không vượt qua được thử thách này, học trò của tôi sẽ nghĩ như thế nào đây? Nhưng rồi sau bao cố gắng, tôi cũng thi đỗ…”
“Cô ơi, chính cô là người đã làm thay đổi cách nghĩ của em! Hồi cấp II, dù đã rất rất cố gắng, em chưa bao giờ đạt điểm 8 trong một bài viết văn. Trong suy nghĩ của em, môn văn thật nặng nề, khó chịu… Học văn để làm gì nhỉ? Chẳng ứng dụng gì vào cuộc sống cả! Nhưng từ ngày lên cấp III, em đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ đó và tìm thấy cảm hứng trong việc học văn.
Ngày đầu tiên thấy cô, em chỉ mong sao cô giáo dễ tính một chút, chấm điểm “rẻ” một chút, và mục tiêu phấn đấu của em là được 6,0 môn văn. Bài văn đầu tiên, em đã viết bằng những lời chân thành nhất, bằng những suy nghĩ hồn nhiên thật thà của mình… Giờ trả bài, em thực sự không mong đợi gì khác ngoài việc được điểm 6 như mọi khi. Nhưng bất ngờ thay, em đã được điểm 8 – cái điểm mà em đã luôn mơ ước trong suốt 4 năm cấp II mà không thực hiện được. Điểm 8 đầu tiên đó, có lẽ là chiến thắng ngọt ngào nhất của em. Cô có biết, từ đó, một đứa ghét văn như em dần dần trở nên thích văn và thích viết văn không? Nó như là một động lực, một phát súng để làm em bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ sai lầm trước đó. Em đã đạt được nhiều điểm 8 hơn và cũng đã tự tin hơn. Đặc biệt, em thích phần nghị luận xã hội, vì qua chúng, em có thể lồng những hiểu biết, những kiến thức xã hội của mình vào. Em không biết cô có còn nhớ bài văn đầu tiên của em không nữa… Nhưng giờ đây, em muốn cảm ơn cô rất nhiều vì cô đã giúp em có được tình yêu môn văn, và qua môn văn, cái nhìn về cuộc sống, về con người của em đã khác. Chưa bao giờ em lại có thể tập trung nghe giảng môn văn đến thế! Tất cả là nhờ cô – cô yêu quý! Một cô giáo tâm huyết với nghề. Nếu Việt Nam có nhiều thầy cô giáo như cô, thì chắc chắn rằng không có nhiều học sinh “ghét” văn đến thế.
Lần cô chuẩn bị đi thi cao học, em định nói với cô câu này nhưng em đã không nói, và bây giờ em sẽ nói với cô: Dù cô có thi đỗ cao học hay không, dù cô có là một thạc sĩ hay một giáo viên bình thường, thì cô vẫn là một người thầy đầy tâm huyết. Học vị chỉ là một phần rất nhỏ trong thành công của một giáo viên. Theo em, thành công lớn nhất của cô là khi cô làm cho những học trò bình thường nhất có cái nhìn đúng về môn văn”. (Nguyễn Công Tùng – Trường THPT Kim Anh)
“Tôi dạy THPT, học sinh của tôi đang ở độ tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Các em đã biết xác định hướng đi cho tương lai, biết cố gắng nỗ lực để thực hiện ước mơ lí tưởng. Nhìn những khuôn mặt còn non nớt mà đã đăm chiêu suy nghĩ, đã nhăn trán nhíu mày, đã chịu biết bao áp lực sau những giờ học căng thẳng, tôi thấy thương các em. Biết rằng điều gì cũng có cái giá của nó. Để tích lũy được tri thức, để bước được vào cánh cổng trường Đại học, để vun đắp một tương lai tươi đẹp, cần đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nhưng tôi vẫn không muốn các em đánh rơi sự hồn nhiên trong sáng của mình, để tuột mất đi những lãng mạn, mộng mơ. Tôi nhớ lại cái thời cắp sách của tôi. Những lá thư giấu trong ngăn bàn, những tấm bưu thiếp giấu tên trong một ngày đặc biệt, những ánh mắt nhìn ngượng ngùng rồi vội quay đi… Cho tới bây giờ, kí ức ấy vẫn không phai mờ và nhiều khi còn trở thành động lực giúp tôi bước tiếp trên đường đời đầy trông gai. Biết vậy, tôi luôn trân trọng những rung động đầu đời của học trò mình, sẻ chia và khuyên nhủ để các em không bao giờ đi lạc lối” .
“Trong mắt em, cô là một cô giáo vừa có tài vừa có tâm, một cô giáo rất tâm lí nữa. Khác với đa số thầy cô khác luôn coi chuyện tình cảm của học sinh là một cái gì đó rất tồi tệ, chỉ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập thì cô lại bảo rằng đó là một tình bạn đẹp hay một tình yêu rất trong sáng của tuổi học trò. Cô nói với chúng em rằng: “Đến tuổi này rồi mà còn chưa biết rung động trước một người khác giới hay chưa làm cho một người nào rung động thì cũng cần phải xem lại mình”. Cô thường bảo chúng em hãy lấy tình cảm đó làm động lực để mình vươn lên trong học tập, giúp nhau tiến bước trên con đường xây dựng tương lai. Em rất thích nghe cô hát và nhìn cô cười, em rất xúc động khi cô khóc. Đã từ lâu lắm rồi em không biết khóc là gì, vậy mà hôm nghe những lời tâm sự của cô, em lại rơi nước mắt. Và em biết rằng cô đã giúp em tìm thấy nữ tính trong bản thân mình…” (Nguyễn Ánh Nguyệt – trường THPT Kim Anh)
“Cuộc sống không chỉ có đời sống tinh thần mà còn có đời sống vật chất, không chỉ có thế giới của văn chương mà còn có cơm, áo, gạo, tiền. Người giáo viên cũng phải ngập chìm trong những bộn bề toan tính, trong những nỗi buồn nỗi lo riêng của gia đình bé nhỏ. Nhưng tôi chưa bao giờ coi nghề giáo là một nghề để làm giàu, chưa bao giờ biến giáo dục thành một hoạt động bán mua. Nếu chỉ vì tiền, nghĩ đến việc kiếm được nhiều tiền thì đừng nên làm nhà giáo. Dạy học không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, là niềm vui của người giáo viên. Tôi nghĩ khó có nghề nghiệp nào lại vinh dự và có nhiều những cung bậc tình cảm như nghề giáo. Lòng yêu quý, sự biết ơn, sự quan tâm chia sẻ, những cố gắng nỗ lực của học trò…đã khiến tôi thấy mình thật hạnh phúc.
Học trò nhiều lúc vô tâm làm thầy cô buồn. Nhưng cũng có khi, một người thầy thấy mình nhỏ bé khi bất ngờ đối diện với tâm hồn bát ngát yêu thương của học sinh. Các em luôn biết an ủi và sẻ chia. Các em thấu hiểu ngay cả khi tôi không bày tỏ. Thật là niềm hạnh phúc bình dị mà vô giá!
Thử hỏi, nếu một ngày nào đó không được tới lớp với các em, cuộc sống của tôi sẽ như thế nào?
Có một điều hiển nhiên từ xưa đến nay mà ai cũng nói, rằng học trò mãi mãi biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình. Nhưng hôm nay, tôi muốn nói thêm một vế nữa, để đem tấm lòng đền đáp một tấm lòng, rằng: “Thầy cô cảm ơn học trò rất nhiều! Vì chính các em đã đem lại niềm hạnh phúc đích thực, ý nghĩa cuộc sống đích thực cho thầy cô!”
Tôi yêu nghề giáo! Tôi yêu các học trò của tôi!
File tải về | Ngày cập nhật | Dung lượng file | Ghi chú |
Bài dự thi Nguyễn Thùy Giang |
Bình luận: