HOÀI NIỆM MƯỜI NĂM TRƯỜNG CẤP III KIM ANH TRONG TÔI
Cập nhật: 05/11/2015
HOÀI NIỆM
MƯỜI NĂM TRƯỜNG CẤP III KIM ANH TRONG TÔI
Cô giáo Đặng Tuyết Huê
Với tôi: 10 năm của cái thuở ban đầu một cô sinh viên văn khoa – người miền Nam duy nhất – tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rụt rè bước vào nghề đến trường Cấp 3 Kim Anh.
10 năm của “cái thuở ban đầu” tỉnh Vĩnh Phú khai sinh ra một trường cấp 3 mang tên của huyện “Kim Anh”.
Đời tôi còn bước tiếp 3 cái 10 năm như vậy trên bục giảng nhưng không phải là 10 năm ấy! Mỗi lần nghĩ về nó, mắt tôi cứ rưng rưng, cổ tôi nghèn nghẹn, lòng muốn tìm về.
Với tôi: đó là 10 năm sống trong nhà tranh vách đất, đèn dầu le lói. Chấm bài cũng không đủ thắp sáng, nhờ cả ánh trăng trong để soạn giáo án. Hồi đó tôi nghĩ: tại sao trong cái yên bình, tĩnh lặng này, con người cứ phải nơm nớp về bom đạn, về thương vong đang rập rình để rồi không biết chỉ trong giây lát nữa thôi có thể ai còn, ai mất…
Thời gian đầu, với mấy con người tuổi ngoài 20 được về đây “khai sơn phá thạch” làm nên một mái trường cấp 3 thật khó quên: chỉ một cái ấm đun nước và một cái xoong nhôm méo mó để có bữa ăn. Cơm nấu chín đổ ra hộc bàn lót bằng lá chuối mới nấu được thức ăn.
Chiến sự căng thẳng, trường sơ tán vào thôn Thạch Lỗi, sống trong nhà dân. Sao tôi quên được hũ tương thạp cà của gia đình chủ và ngọn lang ngọn đỗ, lá khoai tây ngoài đồng của Hợp tác xã đắp đổi cuộc sống dài ngày.
Chẳng bao lâu nhà trường lại sơ tán xa hơn nữa, xa sân bay Đa Phúc. Mỗi lần kẻng trận địa pháo gấp gáp, máy bay Mỹ gầm xé bầu trời, thầy trò xuống giao thông hòa, vào hầm trú ẩn, tôi nghe râm ran tiếng cầu kinh của những con chiên ngoan đạo vang ra từ nhà thờ nhỏ gần mé sông Cà Lồ ở Gia Thượng.
Thời ấy, chị nông dân “tay cày tay súng”, anh công nhân “tay búa tay súng”, những sinh linh bé nhỏ (có cả thầy trò chúng tôi) cũng đã sống bằng niềm tin của mình.
Các nhà Xã hội học tự hào ta đã nhiều phen mất nước nhưng không mất tên làng tên xã … Nghe vậy trên truyền hình tôi sửng sốt: địa danh “Kim Anh” đi đâu rồi, xóa sổ thật sao?
Bốn mươi năm về sống ở Nha Trang – nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nay tôi đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Vài lần tôi tìm về Kim Anh (một Kim Anh trong hoài niệm): thắp nén nhang, thầm cảm ơn những ân nhân cưu mang đùm bọc tôi. Chắc tôi về muộn nên họ đã thành người thiên cổ rồi! Tôi về gặp lại học trò của mình. Trong số đó nhiều người thành đạt, viên mãn nhưng không ít người thiệt thòi vì thương tật nơi chiến trường hoặc thời cơ không tìm đến họ. Những học trò cấp 3 chỉ biết đi chân đất đến trường xa hàng chục cây số, những người đã mãi mãi nằm xuống ở Thanh Nhàn, Ninh Kiều hồi bom B52 Mỹ rải thảm … Tình cảm thầy trò chúng tôi vẫn vậy.
Tôi hạnh phúc được đứng trên “bục giảng” vào cái thời mà kẻ “qua sông” không quên người “lái đò sang ngang”.
Bình luận: