Bài dự thi viết kỷ niệm 60 năm Ngành GD&ĐT Thủ đô- Cô giáo Trần Thị Hằng- Trường THPT Kim Anh
Cập nhật: 07/08/2014
NGÔI TRƯỜNG VIẾT TIẾP NHỮNG ƯỚC MƠ, NGƯỜI THẦY THẮP SÁNG NHỮNG TÌNH YÊU
Tôi đến với trường THPT Kim Anh khi đôi chân đã có phần mỏi mệt trên hành trình theo đuổi ước mơ. 10 năm- quãng thời gian chẳng phải là dài nhưng cũng không hề ngắn khi nó gắn với tuổi trẻ của một đời người.
Những ngày đầu, khi chưa phải là giáo viên chính thức của nhà trường, cùng với những trải nghiệm của 10 năm rong ruổi, tôi đã chọn cho mình một chỗ đứng, một lời nói, một mối quan hệ dè dặt và…hoài nghi. Nhưng rồi khung cảnh thân quen, học sinh thân thiện, nhất là tình cảm, cách ứng xử văn hóa và nhân văn của mọi người trong trường đã khiến tôi dần thay đổi . Ngôi trường giúp tôi viết tiếp ước mơ và những người thầy đã thắp sáng tình yêu trong tôi
Bài học lớn cho tôi là khi tôi được tiếp xúc, làm việc cùng thầy – một nhân cách lớn – với tâm hồn lạc quan, tấm lòng nhân hậu, tình người bao la, sự tận tâm, tận lực với nghề đã khiến tôi và biết bao đồng nghiệp, bao thế hệ học sinh thấu hiểu hơn rằng: “Bạn ở trên đỉnh núi không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải từ dưới đất leo lên. Phải trải qua thử thách, nhọc nhằn mới có được thành công, mới có được điều ngọt ngào, ấm áp”! Đó là thầy Đỗ Văn Thắng, giáo viên dạy tiếng Nga, GDCD của trường THPT KimAnh
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đau thương, thầy cũng như nhiều học sinh, sinh viên ưu tú khác dã “xếp bút nghiên” tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của non sông. Thầy đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huy chương, Huy hiệu.
Hòa bình lập lại thầy lại miệt mài với sự nghiệp “bút nghiên,” thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo. Và hôm nay khi sự nghiệp cao quý đã hoàn thành thì huy chương, huy hiệu làm thầy hạnh phúc nhất là tình yêu thương, kính quý, sự trưởng thành của lớp lớp các thế hệ học trò, của bạn bè đồng nghiệp.
Tốt nghiệp trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, được bồi dưỡng tiếng Nga ở Liên Xô, thầy không chỉ là giáo viên dạy tiếng nước ngoài mà còn am hiểu về văn hóa, văn học của xứ xở Bạch dương. Tình yêu với ngôn ngữ, văn hóa, văn học Nga trong thầy thật mãnh liệt bởi cho đến khi tiếng Nga “thất thế” thầy vẫn dành cho nó nhưng tình cảm không dễ tàn phai. Thầy tâm sự:
Tiếng Nga học ở cấp III
Là kênh thích nhất nhìn ra nước ngoài
Kháng chiến chống Mĩ lâu dài
Chiến trường có sách tiếng Nga theo cùng
Hòa bình trở lại miệt mài
Say mê học tiếp tiếng mà mình yêu
Mười lăm năm đã sớm chiều
Say sưa bục giảng sống cùng tiếng Nga
Thế mà thời thế đổi thay
Liên Xô tan rã tiếng Nga ít dần
Mười lăm năm chợt bần thần
Tiếng Nga không dạy trong lòng vẫn say.
Tiếng Nga không còn được giảng dạy trong trường phổ thông, thầy được giao phụ trách môn GDCD – một bộ môn xưa nay trong cái nhìn của học sinh, quan niệm của phụ huynh nó là “môn phụ” nên không cần chú ý, không cần tìm hiểu, chẳng cần học làm gì. Những tưởng sự đổi thay của thời cuộc sẽ khiến thầy chán, nản, lên lớp “cho xong”. Nhưng những gì mà thầy đã làm cho đến hôm nay đã làm cho chúng tôi, những thế hệ người thầy kế cận hiểu và thấm thía cái khó nhất của Người Thầy chính là làm sao hun đúc được lòng đam mê môn học – mà mình dạy – cho học sinh, để từ đấy các em tự giác tìm tòi, khai phá những điều mới mẻ qua mỗi giờ học…
Để làm được điều đó thầy không bao giờ than phiền, ngại khó, luôn tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới. Thầy đã biến những khái niệm vốn khô khan, trừu tượng trở nên cụ thể, sống động và hấp dẫn. Trách nhiệm với công việc, lương tâm của người thầy, tình yêu thương học trò đã làm bao thế hệ học sinh thay đổi tư tương: Từ chỗ thấy môn học “chẳng có ý nghĩa gì, chẳng có tầm quan trọng gì đáng kể” , đa số các em đều nhận ra môn học không những chỉ trang bị những kiến thức cần thiết, mà còn giúp các em có một cách nhìn đúng đắn “Nếu không có thầy có lẽ bây giờ em vẫn có cái nhìn lệch lạc về bộ môn. Nhờ những tiết học của thầy em đã biết hiểu, thông cảm và yêu đất nước mình hơn”. Từ đó các em có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực chủ động để chiếm lĩnh kiến thức, bởi “Sự tự giác của con người bắt đầu từ những hiểu biết đầy đủ, đúng đắn”. Đó chẳng phải là sản phẩm mà bất kì người thầy nào cũng muốn tạo ra sao?
Để rồi mỗi mùa hoa phượng nở, học trò gửi lại cho thầy bao tình cảm mà với thầy nó đáng quý biết bao:
Nếu mai này xa thầy em vẫn nhớ
Lời dạy của thầy ý nghĩa biết bao nhiêu
Dạy chúng em kiến thức có bao điều
Trong xã hội của thời kì đổi mới
Hơn tất cả những gì em mong đợi
Năm học này cứ muốn nó đừng trôi
(Tạ Huy Huyền- K43E)
Thầy không chỉ là người thầy đáng kính
Với chúng em thầy như một người cha
Dạy chúng em bao điều mới lạ
Đưa chúng em tới những bến bờ xa
(Hoàng Thị Phương- K42A)
Cuộc sống riêng của thầy có nhiều bất hạnh , nhưng thầy vẫn cất giấu nỗi buồn nơi sâu thẳm trái tim, để mỗi khi đến trường, lên lớp chỉ nhìn thấy ở thầy – một con người tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và tâm hồn phơi phới trẻ trung. Đôi mắt của thầy luôn kiếm tìm và rung động trước những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị của cuộc sống, của tình người để cất lên những vần thơ điểm tô cho cuộc đời. Đọc những vần thơ của thầy chúng tôi chợt nhận ra « Trường mình đẹp đến thế ! Vẫn những đồng nghiệp mà hàng ngày em thân thiết em bỗng thấy họ đẹp và đáng yêu hơn. Cảm ơn thầy vì nhiệt huyết với nghề, tình yêu với trường. Thầy mãi là tấm gương sáng để em cùng đồng nghiệp noi theo. Những bài thơ của thầy như một luồng sinh khí mới tiếp cho chúng em để mỗi ngày tới trường, gặp gỡ đồng nghiệp em lại thấy tất cả đáng yêu hơn » ( cô Lưu Thị Ngát – giáo viên trường THPT Kim Anh)
Ai đó đã từng nói: “Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác.”
Tôi đã gặp một Người Thầy như thế – Thầy Đỗ Văn Thắng kính yêu!
Tôi đã gặp một ngôi trường như thế- Trường THPT Kim Anh mến thương!
Trần Thị Hằng - THPT Kim Anh, Sóc Sơn, Hà Nội
File tải về | Ngày cập nhật | Dung lượng file | Ghi chú |
Trân Thị Hằng |
Bình luận: