NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP 3 KIM ANH THÂN YÊU!
Cập nhật: 28/08/2015
Thầy Dương Tuấn Mậu – Nguyên HT 1967-1979
Vào những ngày cuối thu năm nay 2015, chúng ta lại tưng bừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường cấp 3 Kim Anh thân yêu nay là Trường phổ thông trung học Kim Anh. 50 năm một chặng đường, nửa thế kỷ đã đi qua ấy, nhà trường đã từng bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào cách mạng sôi động của địa phương. Lịch sử vẻ vang của nhà trường ấy đã lưu giữ nhiều cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ giáo viên và học sinh, đồng thời đây còn là địa chỉ của những tấm lòng, những niềm tin và nỗi nhớ của mỗi chúng ta.
Nhớ về Trường THPT Kim Anh, trước hết ta nhớ về một mái trường mà sự ra đời của nó là xuất phát từ lòng dân ý Đảng. Thấu hiểu nguyện vọng thiết tha của nhân dân lao động Kim Anh – những người nông dân cần cù lao động và đấu tranh anh dũng chống giặc xâm lược giải phóng quê hương đất nước – mong mỏi từng ngày từng giờ con em có trường có lớp, học hành thuận lợi. Đồng thời xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự nghiệp giáo dục địa phương. Một quyết định mới ra đời: Thành lập Trường THPT Kim Anh. Mặc dù lúc ấy tình hình xã hội còn nhiều khó khăn: Đời sống và kinh tế còn nhiều thấp kém, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã lan tới địa phương. Nhưng với truyền thống yêu nước của nhân dân địa phương, cùng với tinh thần và ý chí của thầy và trò một cao trào thi đua mới xây dựng trường lớp dạy và học được phát động, một khí thế mới của phong trào giáo dục địa phương đã bùng lên sôi động. Trong ký ức của mỗi chúng ta dưới mái trường Kim Anh, cuộc sống lao động dạy và học trong tinh thần đoàn kết thân ái và phát huy cao độ nội lực của đội ngũ cán bộ giáo viên của nhà trường. Trường lúc ban đầu tập thể giáo viên còn rất ít: một quyền hiệu trưởng và tám giáo viên lúc đầu sống thật đơn giản, có bữa cơm cả tập thể giáo viên ngồi quanh nồi cơm và nồi canh mà không cần mâm; có những cuộc họp trên lớp học vào buổi tối. Mỗi người một đèn dầu hỏa mà sao nội dung thì rất phong phú sôi nổi. Mọi sinh hoạt của tổ chuyên môn hoặc các tổ chức đoàn thể đều tiến hành vào buổi tối, còn thời gian ban ngày đều để giành cho việc chấm, soạn bài và lên lớp của giáo viên. Mọi công việc diễn ra sôi nổi và nghiêm túc. Khi giải lao thì lời ca tiếng hát lại vang lên. Số cán bộ giáo viên ngày một tăng dần, khu tập thể nhà trường cũng ngày một phát triển, hầu hết cán bộ giáo viên đều sinh hoạt trong khu tập thể của trường và theo một thời gian biểu nhất định suốt 24 giờ trong ngày. Vì thế mọi người sống đoàn kết thân ái với nhau như những người trong một gia đình, chia sẻ vui buồn cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn nâng cao tinh thần và ý chí của mình để hoàn thành tốt mọi công việc của tổ chức. Làm việc trong điều kiện như vậy nhiều tấm gương sáng của tập thể đã xuất hiện: Cô Nguyễn Thị Nguyệt – giáo viên Sử, từ miền Nam tập kết ra Bắc, con nhỏ, sức khỏe yếu nhưng vẫn miệt mài với công tác chủ nhiệm lớp và giảng dạy bộ môn; cũng như cô Đặng Tuyết Huê, Hà Thị Mĩ, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Hậu,…Nhiều thầy cô giáo tuy gần trường nhưng vẫn sống trong tập thể để đóng góp nhiều công sức của mình trong dạy bảo như thầy Phạm Lũy – Bí thư chi bộ, thầy Lưu Văn Cơ – tổ chức chuyên môn, thầy Cao Phi Thăng – Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Trương Như No, thầy Nguyễn Văn Linh, thầy Nguyễn Như Ái, Nguyễn Văn Dũng, cô Vương Thị Thức và rất nhiều thầy cô giáo khác có tinh thần xây dựng tập thể, sống hết mình cho nhiệm vụ được giao và để lại những tình cảm gắn bó sâu sắc.
Với các thế hệ học sinh, đây vừa là đối tượng giáo dục đồng thời là lực lượng nòng cốt đóng góp phần tích cực trong phong trào, hoạt động thi đua của nhà trường. Hàng ngày các em đến trường học tập tích cực. Ngoài ra các em còn tham gia lao động đào hầm trú ẩn, lao động sản xuất không mệt mỏi mặc dù nhà xa, có em nhà xa trường 6 -7 cây số nhưng vẫn tham gia đầy đủ cho các hoạt động này. Hàng ngày ngoài các hoạt động trên các em còn tham gia tích cực các phong trào văn nghệ thể thao của trường của lớp.
Khó khăn và gian khổ như vậy nhưng thầy và trò của trường vẫn luôn luôn giữ được niềm tin và phấn khởi cho mọi hoạt động.
Thật cảm động vô cùng trong suốt mấy năm liên tục như vậy nhiều học sinh học tập trưởng thành và không có em nào bị dính bom đạn Mỹ. Các thầy cô giáo vẫn khỏe mạnh và luôn luôn là tấm gương sáng trong sinh hoạt công tác.
Với phụ huynh học sinh, đây là lực lượng hùng hậu giúp nhà trường giải quyết nhiều khâu quan trọng trong công tác giáo dục: cha mẹ học sinh đã nhất trí cao với nội dung giáo dục các em học sinh, quản lí và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để giúp cho con em mình tu dưỡng phấn đấu vươn lên. Hàng năm số học sinh học tập khá giỏi tăng lên, năm sau nhiều hơn năm trước, nhiều em đạt kết quả cao trong thi cử và lên lớp và đặc biệt là không em nào bị dính vào tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng tránh máy bay giặc Mỹ ở địa phương.
Nhiều bậc cha mẹ học sinh và nhân dân thôn Thạch Lỗi xã Thanh Xuân, xã Phú Cường, xã Quang Minh, Kim Hoa, Đông Xuân, Mai Đình, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tân Dân,…đã trực tiếp đem vật liệu: tre, nứa, lá và công sức của mình đến dựng trường lớp cho con em học tập. Nhiều cuộc hội thảo của các khối lớp và toàn trường bàn về tình hình và những biện pháp quản lí giáo dục học sinh được tổ chức, có sự tham gia nhiệt tình của cha mẹ học sinh.
50 năm đã qua đi, nay bộ mặt của nhà trường đã đổi khác và lớn mạnh không ngừng. Nhiều khó khăn thiếu thốn đã không còn nữa. Nhưng những tình cảm, ý chí và những mối quan hệ cán bộ giáo viên với nhà trường và xã hội; giữa giáo viên và học sinh vẫn còn đằm thắm thiết tha gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời.
Bình luận: