Để đạt điểm cao kì thi tốt nghiệp THPT môn hóa học
Cập nhật: 14/04/2014
Thạc sỹ Trần Mạnh Cường – Giáo viên dạy giỏi môn Hóa Học, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) – chia sẻ một số kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học.
Theo thầy Cường, khác với các môn học khác như: Toán, Vật lý,… Hóa học phổ thông là môn học mang tính hệ thống cao, đặc biệt là phần kiến thức cơ sở tập trung vào phần lớp 10 và học kỳ 1 lớp 11.
Bởi vậy, dù kiến thức thi tốt nghiệp môn Hóa học nằm trong chương trình lớp 12 nhưng học sinh vẫn cần phải học đều và chắc cơ bản từ lớp 10, lớp 11.
Hóa học cũng là một môn khoa học liên quan nhiều đến thực nghiệm, để học tập có hiệu quả tốt nhất thì các em phải được làm thí nghiệm, được quan sát thí nghiệm.
Tuy nhiên, nếu không có điều kiện thực nghiệm, các em cần “tưởng tượng” các thao tác, các bước thí nghiệm trong đầu. Điều này sẽ giúp ích các em nhiều trong quá trình giải các bài tập lý thuyết.
Về phần bài tập, học sinh cần ghi nhớ nên tự lặp lại 2 câu hỏi liên tiếp:
Câu 1 – “Để tính toán được kết quả ta cần dùng công thức nào?”;
Câu 2 – “Trong công thức này cái gì chưa biết, cái gì đã biết?”.
Nếu đã biết thì ta thay vào công thức, nếu chưa biết ta quay trở lại câu hỏi số 1 để tìm ra công thức có liên quan rồi tính được đại lượng đó.
Trên thực tế, số lượng công thức dùng trong giải toán hóa học không nhiều và học sinh cần phải học thuộc các công thức đó.
Dễ làm trước, khó làm sau |
Một kinh nghiệm nữa là mặc dù bài thi tốt nghiệp dạng trắc nghiệm, nhưng khi ôn tập và giải bài tập các em nên tư duy và làm bài theo dạng tự luận để có thể ghi nhớ sâu và hiểu bản chất của vấn đề.
Thêm vào đó, cũng dễ dàng nhận thấy cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Hóa các năm có sự tương đồng rất lớn.
Bởi vậy, các em cần sưu tập và luyện tập bằng các đề thi hóa của các năm trước.
Cuối cùng, một kinh nghiệm mà các em cần lưu ý đó là: Đề thi trắc nghiệm không còn mới. Do vậy cứ câu nào dễ thì các em làm trước còn câu khó làm sau. Không nên mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.
Nguồn: c3chuvanan
Bình luận: